Trang chủ > Công lý và Sự thật > ĐGM Hưng Hóa trả lời báo Công giáo và Dân tộc: “Khi bày tỏ tình yêu qua việc đối thoại, mình có thể cảm nhận được sự hiệp thông”

ĐGM Hưng Hóa trả lời báo Công giáo và Dân tộc: “Khi bày tỏ tình yêu qua việc đối thoại, mình có thể cảm nhận được sự hiệp thông”

LTCG (20.09.2010)

Năm 2008, nhà cầm quyền các tỉnh Tây Bắc đang ra sức đàn áp, hạn chế các quyền tự do tôn giáo tại đây, đặc biệt là Tỉnh Sơn La. Nhiều bài báo đã tố cáo sự đàn áp này trước dư luận quốc tế. Vì vậy đoàn đại biểu tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã đến thị sát tình hình tại Sơn La ngày 19.5.2009.

Tuy nhiên, trước những tiếng kêu của giáo dân, của báo chí công giáo về tình hình tại Sơn La, Đức GM Hưng Hóa Anton Vũ Huy Chương đã liên kết với tờ “Công giáo và Dân tộc” để đưa ra những lời giải thích, nêu những niềm vui… nhằm che đậy sự thật như bài phỏng vấn sau đây cũng như bài viết về Noel 2008 “Niềm vui trên núi rừng Tây Bắc” khi ở đó đang có một Noel bị chủ tịch xã ra lệnh giới nghiêm để cấm bà con tôn giáo tụ tập.

Sau những cuộc đấu tranh bền bỉ của giáo dân Sơn La và những cố gắng không mệt mỏi, hi sinh của các linh mục Dòng Chúa Cứu thế cũng như những bài viết đanh thép tố cáo sự thật, tình hình tại Sơn La có những thay đổi. Nhưng tại Điện Biên, Lai Châu vẫn chưa có gì sáng sủa hơn.

Bài trả lời sau đây của ĐC Anton Vũ Huy Chương với tờ “Công giáo và Dân tộc” năm 2008 là một trong những bài viết giải độc che đậy sự thật ở Tây Bắc. ( Nữ Vương Công Lý)

Đầu tháng Đức Mẹ Mân Côi năm 2003, Giáo phận Hưng Hoá sau 11 năm trống toà  đã có ĐGM Chính toà trông coi: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương (ĐGM.VHC). Sau 5 năm gầy dựng lại giáo phận, vị chủ chăn gốc Hưng Hoá nhưng đến từ Giáo phận Cần Thơ đã có dịp nhìn lại chặng đường đã qua…

BBT xin giới thiệu bài phỏng vấn Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương của Lê Hữu Tuấn, đã được đăng trên Báo DGvDT số 1678.

CGvDT: Kính thưa Đức cha, như vậy là đã tròn 5 năm Đức cha được Toà Thánh đặt làm Giám mục Giáo phận Hưng Hoá. Ngày mới được bổ nhiệm, trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn CGvDT, Đức cha đã tâm sự: “Một trong những khó khăn đối với tôi lúc này có lẽ là phải thích nghi với hoàn cảnh mới”. Sau 5 năm, chắc là lo lắng này đã vơi đi nhiều?

ĐGM.VHC: Trước hết, xin cám ơn Ban Biên tập báo Công giáo và Dân tộc đã nhớ đến ngày tôi thụ phong giám mục cách đây 5 năm. Thời gian qua đi thật mau. Lúc đầu tôi nghĩ đến một trong những khó khăn là phải lo thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng nhìn lại 5 năm qua thì lúc nào cũng có cái mới để mà lo! Có người hỏi tôi: “Đức Cha đã quen với Hưng Hoá chưa?”. Tôi trả lời: “Không quen cũng phải quen!”. Có lúc tự nhiên tôi nghĩ rằng: “Khi được Toà Thánh hỏi ý kiến trước khi bổ nhiệm, tiếc là mình đã nhận lời làm giám mục”. Nhưng rồi tôi lại thầm thưa: “Xin Vâng” như khẩu hiệu tôi đã chọn từ ban đầu. Thế đấy!

CGvDT: Chúng con còn nhớ, khi Đức cha được tấn phong giám mục, thống kê của Giáo phận Hưng Hoá về nhân sự là: “Số giáo dân khoảng 200.000, số linh mục là 24. Giáo phận có 35 đại chủng sinh, 100 tu sĩ, 32 giáo xứ, 43 “chuẩn xứ”, 410 họ đạo”… Còn bây giờ, tình hình nhân sự ở Hưng Hoá là thế nào, thưa Đức cha?

ĐGM.VHC: Về tình hình nhân sự ở Hưng Hoá hiện nay: Số giáo dân là 217.000 trong tổng số dân là 6.881.000, số linh mục là 55 (có một linh mục Dòng Đa Minh). Giáo phận hiện có 40 chủng sinh tại Đại Chủng viện Hà Nội, 162 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá (chỉ có một Dòng duy nhất), 75 giáo xứ, 498 giáo họ.  Hiện có 5 linh mục đang tu nghiệp nước ngoài, còn 50 vị ở nhà, vẫn chưa đủ để mỗi xứ có một linh mục. Hy vọng giữa năm 2009, giáo phận chúng tôi sẽ có thêm 7 tân linh mục. Số ứng sinh linh mục và tu sĩ còn rất đông. Tạ ơn Chúa. Cánh đồng truyền giáo ở Hưng Hoá thật bao la bát ngát. Đúng là lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít.

CGvDT: Giáo phận Hưng Hoá được xem là giáo phận lớn nhất nước về mặt diện tích (khoảng 50.000 cây số vuông), nằm trên địa bàn 10 tỉnh miền Tây Bắc Việt Nam: Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, trong đó 9 tỉnh là vùng đồi núi, lại có đông đảo đồng bào các dân tộc. Sau một chặng đường dài nhìn lại, Đức cha cảm nhận được điều gì?

ĐGM.VHC: Về mặt diện tích thì lớn thật đấy, nhưng toàn đồi núi thôi, kinh tế khó phát triển, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc ít người. Giáo dân ở Lai Châu cách xa Toà Giám mục nhất, khoảng 700 cây số. Trong những năm qua, đời sống nhân dân tuy đã được nâng cao hơn trước nhờ phương hướng đổi mới về kinh tế và đường sá được tu bổ, nhưng ở những vùng nông thôn sâu, dân chúng còn vất vả lắm, nhiều người trẻ phải đi kiếm sống tại các đô thị. Đó là điều tôi trăn trở nhưng lại vượt quá tầm tay của mình! Riêng về công việc mục vụ thuộc chức năng giám mục, trong 2 năm đầu, tôi đã đi thăm được khoảng 400 họ đạo lớn nhỏ tại 7 tỉnh. Mãi đến năm 2006, khi được chính quyền 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu tiếp, tôi mới có dịp đi thăm giáo dân trong 3 tỉnh này là những tỉnh hiện có khoảng 5.000 giáo dân nhưng chưa có nhà thờ và linh mục thường trực. Đầu năm 2008 vừa qua, khi lên thăm lại giáo dân ở đây, tôi nhận thấy việc sinh hoạt tôn giáo được dễ dàng hơn tại các nhà tư mà tôi đã đăng ký từ năm 2006. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng chính quyền tại 3 tỉnh trên từng bước sẽ hiểu biết hơn nữa về nhu cầu tôn giáo của một bộ phận công dân trong tỉnh để tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo được bình thường như ở các tỉnh khác. Trong 2 năm qua, một linh mục rất bận công việc tại 2 giáo xứ Sơn Tây và Hoà Bình, nhưng cứ 2 tuần một lần, chưa kể những lần đi kẻ liệt, phải vất vả vượt 300 cây số để đến với giáo dân Sơn La được một ngày. Một linh mục khác từ SaPa phải đi 80 cây số mới đến Lai Châu, rồi đi thêm 200 cây số nữa mới đến Điện Biên, để phục vụ nhu cầu tôn giáo chính đáng của bà con giáo dân. Nói chung, những linh mục nhiệt tình tông đồ thì dù có vất vả vẫn thấy rất hạnh phúc.

CGvDT: Khi được Toà Thánh bổ nhiệm làm thành viên mới của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha đã có một tâm sự khá chân thành và được nhiều người đồng tình, chia sẻ, đó là câu: “Chức vụ chỉ là để phục vụ, để làm “tôi tớ”, nhưng khuynh hướng thống trị luôn là một cám dỗ đối với người có quyền bính, đây là điều tôi băn khoăn khi lãnh nhận chức vụ”. Phải chăng, vì nhìn thấy trước được khuynh hướng đáng lo ngại này nên trong cương vị chủ chăn của giáo phận, Đức cha đã xây dựng được một đại gia đình Hưng Hoá đầy thân tình, bình đẳng và mọi người đều tôn trọng, thương yêu nhau…, như nhận xét của nhiều linh mục và giáo dân trong giáo phận của Đức cha hiện nay?

ĐGM.VHC: Đó là điều tôi ước mong. Ước gì được như vậy! Bây giờ tôi thấy mình dễ nóng tính hơn lúc ban đầu mới về giáo phận; dường như từ vô thức có lúc trồi lên ý nghĩ mình “là người có quyền bính” nên đã “sa chước cám dỗ” rồi chăng?! Tôi càng ngày càng phải “chống trả chước cám dỗ” đó nhiều hơn!

CGvDT: Cũng trong bài trả lời phỏng vấn CGvDT cách đây 5 năm, Đức cha cho biết rất quan tâm đến tinh thần Tông huấn Giáo Hội tại Á châu là “hiệp thông nhờ đối thoại vừa là khởi điểm, vừa là phương thức, vừa là đích điểm của việc Phúc Âm hoá”. Trong thời gian qua, ở Giáo phận Hưng Hoá, hình như tinh thần này đã được Đức cha vận dụng uyển chuyển và đã gặt hái được một số kết quả?

“Chức vụ chỉ là để phục vụ, để làm “tôi tớ”, nhưng khuynh hướng thống trị luôn là một cám dỗ đối với người có quyền bính, đây là điều tôi băn khoăn khi lãnh nhận chức vụ”. GM Anton Vũ Huy Chương

ĐGM.VHC: Định hướng là như thế, nhưng thực tế không phải dễ, vì hiệp thông và đối thoại cần nhẫn nại và từ bỏ mình nhiều lắm. Tôi nghĩ ai cũng có nhu cầu “yêu”“được yêu”; vì thế, khi mình bày tỏ tình yêu qua việc đối thoại, mình có thể cảm nhận được sự hiệp thông, cho dù chưa có được sự hiệp nhất. “Hiệp thông nhờ đối thoại như khởi điểm và phương thức” là chủ trương của Giáo Hội mà chính Thiên Chúa đã thực hiện, đặc biệt nhờ Đức Giêsu Kitô, nhưng tiến đến “đích điểm” là việc của Chúa Thánh Thần mà mình cộng tác vào. Nói theo kiểu dân gian, kết quả là nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.

CGvDT: Đâu là những điểm làm Đức cha hài lòng và đâu là những trăn trở còn tồn đọng ở Đức cha đối với giáo phận Hưng Hoá?

ĐGM.VHC: Trong năm đầu tiên, có người gặp tôi hỏi thăm rằng: “Đã xây dựng được công trình nào chưa?”. Tôi thấy cũng sốt ruột, vì khi đi thăm hầu hết các họ đạo tại Giáo phận Hưng Hoá, tôi ghi nhận có 270 nơi chưa có nhà thờ, khoảng 100 nhà thờ xuống cấp cần xây sửa; Toà Giám mục thì không đủ chỗ đáp ứng các sinh hoạt chung, vì được xây dựng năm 1990 khi chỉ có 17 linh mục và ít khi giáo dân có thể quy tụ về; tu viện Mến Thánh giá cách đây 50 năm đủ chỗ cho 24 nữ tu lúc đó, nay thì số nữ tu và ứng sinh tăng lên, đã trở nên chật trội và xuống cấp trầm trọng… Nhưng chúng tôi đã thống nhất với nhau để ưu tiên lo việc đào tạo nhân sự sau thời gian 11 năm “trống toà”. Vì thế trong 5 năm qua, giáo phận đầu tư vào việc tổ chức những khoá thường huấn cho các linh mục, tu sĩ, những khóa huấn luyện giáo lý viên, ban hành giáo, thừa tác viên phụng vụ và người phụ trách thánh nhạc, thánh ca… Tuy nhiên, mỗi năm cũng cố gắng xin kinh phí để xây sửa mươi nhà thờ lớn nhỏ mà vẫn thiếu hụt. Năm nay, chúng tôi bắt đầu lo xây dựng tu viện Mến Thánh Giá cạnh Nhà thờ Chính toà, cách nơi ở hiện nay 4 cây số. Năm tới dự tính đại tu “nhà tràng” (Tiểu Chủng viện) Hà Thạch tại tỉnh Phú Thọ để làm trung tâm mục vụ, nơi sinh hoạt chung cho các linh mục và giáo dân. Toà Giám mục vẫn ở thành phố Sơn Tây, nay thuộc Thủ đô Hà Nội, chỉ cần tu sửa ít thôi để được sử dụng như “trụ sở hành chính” của giáo phận.

Khi những giáo dân bị “Giới nghiêm” của chủ tịch phường trong đêm Noel, thì tờ Công giáo và Dân tộc bịa về “Niềm vui trên núi rừng Tây Bắc”

CGvDT: Làm giám mục ở một giáo phận có nhiều nét văn hoá khác biệt, do giáo dân sống từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng cao, với nhiều dân tộc anh em như Mông, Mường, Thái, Dao…, có lẽ Đức cha có nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

ĐGM.VHC: Vâng, kỷ niệm thì nhiều lắm! Có lần tôi đi ngựa lên núi thăm bà con giáo dân H’Mông tại tỉnh Yên Bái, sau 2 ngày làm việc mục vụ, một ông trong Ban hành giáo hỏi tôi: “Đức Cha có đi tắm không ?”. Tôi hỏi: “Tắm ở đâu?”. Ông trả lời đơn sơ: “Mời Đức Cha xuống suối tắm”. Tôi đành “để dành” về nhà tắm vậy! Họ dễ thương và chân thành lắm. Vị Giám mục đầu tiên của Giáo phận Hưng Hoá, Đức Cha Ramond Lộc, đã nghỉ hưu và qua đời tại SaPa với người dân tộc H’Mông và được an táng tại đó.

CGvDT: Xin hết lòng cảm ơn Đức cha đã cho độc giả CGvDT biết một số thông tin về Giáo phận Hưng Hoá hiện nay.

LÊ HỮU TUẤN thực hiện


  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này