Trang chủ > Bình Luận, Công lý và Sự thật, Giáo dân lên tiếng, Tin Giáo Hội Việt Nam > Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức TGM Nguyễn Văn Bình: Vài cảm nghĩ vụn vặt

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức TGM Nguyễn Văn Bình: Vài cảm nghĩ vụn vặt

Lê Thiên

Trong khi thành tâm chia sẻ niềm tự hào của “gia đình TGP Sài Gòn” về Tinh thần Hòa bình của vị Chủ Chăn quá cố, người giáo dân Công giáo VN không khỏi thoáng chút bâng khuâng và tự hỏi: Chẳng lẽ đến bây giờ Đức TGM Nguyễn Văn Bình vẫn cứ còn bị “Giáo quyền trù dập,”… “chanh hết nước rồi, bỏ vỏ đi” sao? Hay việc “người ta” quên mời Giáo quyền hoặc quên nhắc tới tên các Đấng bên Giáo quyền chỉ là một sự vô tình khiến có sự “trùng hợp” làm cho người ta hiểu lầm rằng Đức Tổng Sài Gòn chưa hết bị trù dập?

Lại nữa, người tín hữu Công giáo VN cảm thấy trong tim đang mang một tâm trạng đau buồn ray rứt khi nghe ĐHY Phạm Minh Mẫn “ngỏ lời cám ơn những lẵng hoa tưởng nhớ và sự hiện diện của đại diện chính quyền các cấp” mà lại thấy ngài quên, chẳng hề có một lời đá động tới Giáo quyền! “Vì thời thế, thế thời phải thế” chăng?

Theo bản tin ngày 01/9/2010 của trang Web Giáo phận Sài Gòn (WGPSG), sáng ngày 01/9/2010, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, “gia đình TGP TP HCM” đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày Sinh của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Một trăm năm sinh nhật: Khách dự và những lẵng hoa

Bản tin cho hay, về phía gia đình Tổng Giám phận Sài Gòn có sự hiện diện của ĐHY GB Phạm Minh Mẫn, ĐGM Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, với khoảng hơn 200 linh mục, cùng đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Bản tin cũng thông tri “ngay từ lúc khởi đầu buổi lễ” có sự tham dự của một số quan chức CSVN: Phó Ban Dân Vận Thành Ủy Sài Gòn, Ông Trần Ngọc Bảo; Trưởng Ban Tôn Giáo & Dân Tộc Sài Gòn, Ông Huỳnh Ngọc Thành; Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Sài Gòn, Ông Trần Trung Tính.

Trong phần niệm hương sau thánh lễ, ngoài Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, Đức Cha Phụ tá Nguyễn Văn Khảm, có cả các cấp chính quyền: “Nguyễn Hoàng Quân – Chủ tịch UBND thành phố HCM; Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư thường trực Thành ủy; Phạm Phương thảo – Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Thị Thư – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; Trần Ngọc Bảo – Phó Ban Dân vận Thành ủy; Dương Quang Hà – Chủ tịch UBMTTQVN thành phố HCM; Huỳnh Ngọc Thành – Trưởng Ban Tông giáo và Dân Tộc thành phố HCM; Trần Trung Tính – Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố HCM.”

Ngoài ra, bản tin cũng cho biết: Trước khán đài Hội trường có bốn lẵng hoa gửi tới từ Chủ tịch Nước, Ông Nguyễn Minh Triết; Ban Bí Thư Trung Ương Đảng, Ông Trương Tấn Sang; Bí Thư Thành Ủy, Ông Lê Thanh Hải; Hội Đồng Nhân Dân & Ủy Ban Nhân Dân & Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Sài Gòn, Bà Phạm Phương Thảo.

Có lẽ vì lễ kỷ niệm chỉ được cử hành trong phạm vi “GIA ĐÌNH” nên không nghe nhắc tới sự hiện diện bên Giáo quyền trừ “gia đình Tổng Giáo phận TP HCM” nêu trên.

Giáo tỉnh Sài Gòn – tức “Tổng” Giáo Phận Sài Gòn – không bó hẹp trong phạm vi một “Giáo phận” mà bao gồm nhiều Giáo phận như Đà Lạt, Phú Cường, Xuân Lộc, Bà Rịa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên.

Riêng Giáo phận Cần Thơ đã từng chịu ơn Đức TGM Nguyễn Văn Bình vì ngài là Giám mục tiên khởi của Giáo phận này hơn 5 năm trời (từ 30 tháng 11 năm 1955, sau khi Cần Thơ tách ra khỏi Giáo phận Nam Vang) cho đến khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục cai quản Tổng Giáo phận Sài Gòn (ngày 2 tháng 4 năm 1961) và Gp Cần Thơ vẫn đang là thành phần của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Thế nhưng chẳng những không nghe nói có hay không có sự hiện diện của các Đấng, mà cũng không rõ có hay không có thư chia sẻ của các Đấng hoặc những lẵng hoa “tưởng nhớ”  như các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN. Một vị “giáo quyền” duy nhất ngoài Tổng Giáo phận được nêu tên là Giám mục Nguyễn Thái Hợp thuộc Giáo phận Vinh. Vị Giám mục này được nhắc đến như là người điều hợp buổi Tọa đàm về “Chân dung vị mục tử” chỉ vì một lẽ giản dị: Đức Cha Hợp đang là Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình, và cuộc tọa đàm được tổ chức ở CLB này do chính ĐC Hợp chủ trì.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo viết về Đức TGM Bình

TGM Nguyễn Văn Bình và Phạm Văn Đồng

Bài viết của lm Nguyễn Công Danh nhằm ca tụng ĐTGM Nguyễn Văn Bình về công lao “bênh đỡ” UBĐKCG cũng như “quảng bá” và “ủy lạo” tờ CGvDT. Lm Danh viết: “Ngài [Đức Tổng Bình] tiếp tục có mặt hầu như trong mọi sinh hoạt lớn do Ủy ban này tổ chức, vì đây là những dịp để ngài trực tiếp gặp gỡ, khuyến khích những nỗ lực cụ thể trong việc sống niềm tin tôn giáo của mình giữa những thực tại trần thế.

Ngài cũng đã chẳng ngần ngại đến với Công giáo và Dân tộc, dù rằng tờ báo không phải tiếng nói chính thức của Giáo hội, và có lời ủy lạo: ‘Tờ báo Công giáo và Dân tộc được ba tuổi, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn trở ngại… Nhưng bây giờ, sau ba năm, tôi thấy tờ báo đã có bộ mặt khá hơn. Chúng ta tất cả phải làm sao cho tờ báo trở thành tờ báo của chúng ta (CG&DT số ra ngày 9-7-1978).

Tờ CGvDT dành số báo 1772 ngày 27/8/2010 đăng tải nhiều bài viết về ĐC Bình, chỉ với mục đích biện hộ cho “sự thỏa hiệp không thể tránh” của ngài đối với CSVN  đồng thời  lặp lại lời phân trần của chính Đức Tổng: “Người ta đã phiền trách tôi nhiều vì tôi đã tỏ ra hợp tác… Nhưng… phải hiểu rằng chính thực tế đã khiến cho tôi phải hành động như vậy.”

Đức TGM Nguyễn Văn Bình – Tinh thần Hòa Bình

Bên cạnh báo CGvDT, trang Web của TGP Sài Gòn và của HĐGMVN vào cuối Tháng 8, đầu Tháng 9 có đăng tải hai bài viết của hai nhân vật được coi là gần gũi nhất với vị TGM quá cố: Bài giảng của Đức Cha Nguyễn Văn Mầu và bài tham luận của Lm Hồ Văn Xuân.

Bài giảng của Đức Cha Giacôbê Mầu trong Thánh lễ An táng Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có tựa đề là: Đức cố TGM Phaolô, người kiến tạo hòa bình.”

Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, nguyên Giám mục Vĩnh Long và là người bạn thâm niên của Đức Cố TGM, tiết lộ: Làm việc trong giáo phận, đời sống đâu phải êm đẹp mãi đâu, trong giai đoạn, – tôi nói điều này có thể có nhiều anh em suy nghĩ – ngài [Đức TGM Nguyễn Văn Bình] đã bị Giáo quyền trù dập, ngài vẫn an bình đón nhận một cách kiên cường.

Còn linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân, cha sở Tân Định, nguyên thư ký riêng của Đức Cố Tổng Giám Mục, qua bài NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI CHA, chia sẻ tại cuộc toạ đàm về “Chân dung một vị mục tử” tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình chiều ngày 27-8-2010 như sau: Mười năm hầu hạ ngài [Đức TGM Phaolô Bình], có thể nói một phần nào con đã chia vui sẻ buồn với ngài, nhưng vui thì ít mà buồn lại nhiều hơn, đặc biệt là những khi ngài gặp vô vàn đau khổ vì bệnh tật liên miên, vì bị hiểu lầm, vì nhân tình thế thái, vì có cảm tưởng bị ruồng bỏ …”

Cha Xuân cũng lại kể: “Xế chiều ngày 11 tháng 8 năm 1993, sau khi dự lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Hồng Y của chúng ta [ĐHY Phạm Minh Mẫn] tại Cần Thơ, con quay trở về thành phố và vào ngay bệnh viện Thống Nhất để thăm Đức Cố Tổng đang nằm điều trị tại đó do bị tai biến vào ngày 26 tháng 7 năm 1993. Khi bước vào phòng, con thấy ngài đang nằm trên ghế phô-tơi và đang khóc. Con đứng tần ngần hồi lâu mà không dám hỏi tại sao ngài lại khóc. Một lúc sau ngài lên tiếng hỏi con: ‘Vậy chớ đi Cần Thơ dự lễ có vui không?’ Lúc đó con mới dám hỏi ngài: ‘Hình như Đức Tổng đang buồn ?’ Ngài im lặng hồi lâu rồi buồn bã nói: ‘Chanh hết nước rồi, phải bỏ vỏ đi…’”

Một con người hiền hòa, một Chủ Chăn yêu chuộng sự an bình như  Đức TGM Nguyễn Văn Bình mà lại bị hiểu lầm, bị Giáo quyền trù dập, có cảm tưởng bị ruồng bỏ, vui ít, buồn nhiều…và rồi thổn thức trước nỗi đau bị vắt chanh bỏ vỏ! Thật là xót xa!

Dù vậy, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bình vẫn để lại cho Tổng Giáo phận của mình một Tinh thần Hòa bình quý hiếm như Đức Cha Giacôbê Mầu nhận định: “Tên ngài là Bình, bình an, và đời sống của ngài đã thể hiện sự bình an không chỉ ở mình mà còn ban phát cho xã hội.

Đức Cha Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Phụ rá TGP Sài Gòn thì “xin cho tinh thần hòa bình và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng bình an nơi vị mục tử hiền hòa này tiếp tục được củng cố và phát huy.”

Phải chăng chính sự bình an mà Đức TGM Phaolô Bình ban phát cho xã hội đã khiến Đảng và Nhà Nước CSVN truy tặng ngài Huân Chương Đại Đoàn Kết Dân Tộc hồi tháng 11/2006? Lại khi tham dự lễ ngày 01/9/2010, đại diện chính quyền, Ông Dương Quang Hà [Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Sài Gòn] đã diễn tả niềm trân trọng tri ân về sự đóng góp của một vị chủ chăn đôn hậu hiền hòa vào sự ổn định và phát triển của thành phố.

Nỗi buồn man mác

Trong khi thành tâm chia sẻ niềm tự hào của “gia đình TGP Sài Gòn” về Tinh thần Hòa bình của vị Chủ Chăn quá cố, người giáo dân Công giáo VN không khỏi thoáng chút bâng khuâng và tự hỏi: Chẳng lẽ đến bây giờ Đức TGM Nguyễn Văn Bình vẫn cứ còn bị “Giáo quyền trù dập,”… “chanh hết nước rồi, bỏ vỏ đi” sao? Hay việc “người ta” quên mời Giáo quyền hoặc quên nhắc tới tên các Đấng bên Giáo quyền chỉ là một sự vô tình khiến có sự “trùng hợp” làm cho người ta hiểu lầm rằng Đức Tổng Sài Gòn chưa hết bị trù dập?

Lại nữa, người tín hữu Công giáo VN cảm thấy trong tim đang mang một tâm trạng đau buồn ray rứt khi nghe ĐHY Phạm Minh Mẫn “ngỏ lời cám ơn những lẵng hoa tưởng nhớ và sự hiện diện của đại diện chính quyền các cấp” mà lại thấy ngài quên, chẳng hề có một lời đá động tới Giáo quyền! “Vì thời thế, thế thời phải thế” chăng?

Dù sao, Tinh thần Hòa bình của Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã cắm rễ sâu vào Tổng Giáo phận Sài Gòn, người Công giáo Sài Gòn có lẽ chỉ nên  trân trọng và tiếp tục học hỏi tinh thần của vị Chủ Chăn yêu dấu ấy thôi.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận – Tinh thần Công lý & Hòa bình


Trong khi gợi nhắc Tinh thần Hòa bình của Đức TGM Nguyễn Văn Bình, chúng tôi không thể không nghĩ tới một vị Chủ Chăn khác cũng thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn: Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, nguyên Phó TGM Sài Gòn với quyền kế vị dưới quyền Đức TGM Nguyễn Văn Bình.

Được biết ngày 16/9/2010 (cũng Tháng 9), lễ giỗ lần thứ tám (16/9/2002-16/9/2010) của ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, và vào ngày 22/10/2010, Tòa Thánh sẽ chính thức mở hồ sơ đợt hai xét phong Chân phúc cho ngài. Vị Chủ Chăn thánh thiện này từng bị vu khống, bị nhục mạ, bị xua đuổi, bị loại trừ, bị bắt bớ, bị cầm tù và bị lưu đày. Điều làm cho mọi người thán phục ngài là chưa bao giờ nghe ngài khóc lóc, than trách hay kêu ca về những cách người ta đối xử với mình, trái lại chỉ nghe ngài luôn tâm sự: “Tôi chỉ có một sứ điệp: nụ cười.”

Nếu không có lời chứng của Cha Chân Tín, vị linh mục già 90 tuổi thuộc Dòng Chúa Cứu Thế VN, từng là cố vấn của ĐTGM Nguyễn Văn Bình, đố ai biết được ĐHY Thuận đã bị hắt hủi đến mức nào bởi chính Bề Trên trực tiếp của mình từ khi ngài bị tống khứ ra khỏi Sài Gòn cho tới khi bị giam tù và đau đớn nhất là khi ngài được thả ra[1][1].

Trong thư gửi đến mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội hồi đầu tháng 9/2010, Đức Hồng Y Peter K.A. Turkson, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Công Lý và Hòa Bình xác quyết: “Qua những năm tù đày trên chính quê hương mình, với biết bao khó khăn, lăng nhục, đọa đày ngài đã trải qua một thời gian dài, Đức Hồng Y Thuận trở nên cho tất cả chúng ta một mẫu mực của niềm vui, hy vọng và tình yêu mến đối với Giáo hội và với hết thảy anh chị em chúng ta, không phân biệt một ai.”

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận sống tinh thần Công đồng Vatican II, nhưng không phải thứ tinh thần hòa bình dễ dãi, “ngây thơ, lạc quan” (lời ĐHY Thuận) sao cũng được, mà là Tinh thần Hòa bình trong Công lý.

Công lý và Hòa bình chẳng phải chỉ là hai phạm trù mà còn là hai thực thể thuộc thành phần máu thịt của ĐHY luôn cùng ngài đồng hành trong mọi bước chân mục vụ và cả trong cuộc sống của ngài để rồi cuối cùng trở thành một trong những di sản tinh thần cao quý nhất ngài lưu lại hậu thế. Đó là Tinh thần Công lý & Hòa bình.

Không kể tới vai trò và những việc làm của Đức Hồng Y trong chức vụ Phó Chủ Tịch rồi Chủ Tịch Ủy ban Công Lý & Hòa Bình của Tòa Thánh vào thời gian ngài bị lưu đày nơi đất khách quê người (1994-2002), trước đó, từ năm 1969, tức chỉ 2 năm sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Nha Trang (1967), Đức Cha Nguyễn Văn Thuận đã chứng tỏ là linh hồn của Công lý và Hòa bình qua Thư Luân lưu ngài gửi cho toàn Giáo phận dưới nhan đề “Vững mạnh trong đức tin, tiến lên trong an bình.”

Trong thư luân lưu này, vị Chủ Chăn Giáo phận Nha Trang xác lập lại lời tuyên bố của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII trong Thông điệp Hòa bình Thế giới: “Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng chân lý, công bằng, tự do và bác ái.”

Cũng trong Thư luân lưu này, ĐGM Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: Người Công giáo không yêu chuộng Hòa bình cách ngây thơ, lạc quanHòa bình chỉ thực hiện trong công lý và tự do, trong sự tôn trọng quyền lợi cá nhân cũng như đoàn thể.” Ngài triển khai ý tưởng về Hòa bình mà ngài đã nêu ra bằng lời kêu gọi: Phải trọng tự do, mới có hòa bình chân chính, tự do cho cá nhân, tự do cho đoàn thể, tự do tín ngưỡng, tự do tìm kiếm, tự do bày tỏ ý kiến. Tự do giữa công dân đối với chính quyền…”

Tiếc thay! Tiếng nói của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cho Công lý & Hòa bình đã bị nhận chìm trên chính quê hương mình. Theo lời kể của Lm Trần Văn Khả trong quyển “ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận qua những lời thuật” (Cơ sở Hy Vọng xuất bản năm 2004), một viên đại tá Công an CSVN có tên là Nguyễn Hồng Lâm mở một cuộc “đối thoại” với ĐHY Thuận sau khi ngài rời khỏi nhà tù. Kết thúc cuộc “đối thoại” này, Nguyễn Hồng Lâm nói với ĐHY: “Ông luôn luôn nói với giọng nhỏ nhẹ, nhưng ông gây cho chúng tôi khá nhiều vấn đề khó giải quyết.”

Giọng nhỏ nhẹ của ĐHY rõ ràng là biểu trưng Tinh thần Hòa bình; còn cái gì gây cho CSVN khá nhiều vấn đề khó giải quyết nếu không phải là Tinh thần Công lý của ngài? Ngài đòi Công lý! Kết quả cuộc “đối thoại” hi hữu này là CSVN chẳng biết làm gì hơn đối với ngài ngoài hành vi đê tiện thẳng tay trục xuất ĐHY ra khỏi Việt Nam (sách đã dẫn, trang 121). Có vậy họ  mới có thể giải hóa tình trạng khó giải quyết đối với nhiều vấn đề mà ĐHY đã đặt ra trước mắt họ khiến họ phải điên đầu.

Cho nên không ai lạ lẫm gì về sự kiện suốt hơn 35 năm qua trên đất nước Việt Nam không hề có một tổ chức, một ủy ban nào cho Công Lý và Hòa Bình. Và bất cứ hoạt động Công lý và Hòa bình nào manh nha nhen nhúm đều bị triệt tiêu ngay trong trứng nước một cách tàn nhẫn.

Kẻ thù của Hội Thánh làm mọi cách để vùi dập ĐHY Nguyễn Văn Thuận trong u tối, nhưng họ không ngờ từ nơi tối tăm, Đức Hồng y đã chiếu tỏa ánh sáng Công lý và Hòa bình khắp hang cùng ngõ hẻm trên hành tinh này. Con người ĐHY Nguyễn Văn Thuận và các di sản của ngài không bị lãng quên. Việc Tòa Thánh nhanh chóng tiến hành các thủ tục điều tra để xét phong Chân phúc cho ngài là bằng chứng hùng hồn nhất xác nhận tinh thần Công lý và Hòa bình của “Tôi tớ Chúa” Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Đức TGM Nguyễn Kim Điền – Tinh thần Anh dũng vì Chân lý


Cùng thời với Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình là Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền. Tinh thần Đấu tranh Anh dũng của Đức TGM Nguyễn Kim Điền đã được nói tới nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ mạn phép ghi nhận chi tiết này: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Ngài là “TGM anh dũng”, chia sẻ với Ngài công thức lừng danh để sống trong chế độ cộng sản: “cộng tác trong tình trạng luôn luôn đề kháng” (collaborer en résistant)[1][2]. Vâng, ĐTG Nguyễn Kim Điền cộng tác bằng đối kháng, đối đầu, chứ không bằng thái độ gập lưng nhắm mắt tùng phục. Và người ta đáp lại ngài bằng cuộc “đối thoại” kéo dài liên tục 120 ngày “làm việc” với Công an.

Một chứng nhân có uy tín là Lm. Augustinô Hồ Văn Quý, nguyên bí thư tòa TGM Huế (1969-1972) và giám đốc Đại chủng viện Huế (1975-1977) kể lại biến cố Đức TM “làm việc” với Công an CSVN như sau: “Trong thời gian 120 ngày ‘làm việc’ với công an (từ 5-4 đến 15-10-1984), ngài thường thổ lộ với người thân tín sau một ngày làm việc: tạ ơn Chúa đã cho qua một ngày vững vàng, cầu mong Chúa cho ngày mai cũng được như vậy. Thật là khiêm nhượng: không dám nói trước là mình sẽ vững vàng mãi mãi bao lâu còn phải ngồi trước cán bộ công an.

“Khi ra đi mỗi sáng, ngài ôm sẵn một gói hành lý nhỏ vừa bằng chiếc mũ đựng những đồ dùng cá nhân cần thiết: biết đâu ngày hôm đó ngài sẽ bị bắt đem đi luôn! Ngài chờ đón và chấp nhận tình huống này. Tâm trạng này thật là dũng cảm.”

Liên quan đến con người của Đức TGM Nguyễn Văn Bình, trong bài chia sẻ “Nhớ về một người Cha”, Lm Hồ Văn Xuân kể lại: Có lần ngài [TGM Bình] nói với con: ‘Người ta đề nghị tôi trừng phạt cha này, treo chén cha kia, nhưng tôi từ chối không làm việc đó, vì tôi chỉ muốn dùng tình thương mà cảm hoá anh em, để lôi kéo anh em về với Hội Thánh, chớ không bao giờ muốn dùng hình phạt đối với bất cứ ai.

Đức TGM Nguyễn Kim Điền thì trái lại, ngài kiên quyết áp dụng hình phạt treo chén cho một linh mục đã không vâng lời Đấng Bản quyền, ngang nhiên tham gia UBCGĐK coi thường luật đạo qua chỉ thị của Đức Tổng truyền cho các linh mục dưới quyền không ai được tham gia tổ chức “công giáo quốc doanh”.

Hai cách hành xử, hai kết quả trái ngược.

Ở Sài Gòn, nhóm linh mục quốc doanh tự tung tự tác, gây nghi kỵ, phân hóa, chia rẽ. Một quốc doanh đảng viên Huỳnh Công Minh, người bị tố cáo là đã xúc phạm Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre một cách nghiêm trọng và cũng là nhân vật chủ chốt trong nhóm giáo sĩ xua đuổi ĐTG Nguyễn Văn Thuận, đến nay Lm Minh vẫn ung dung là Tổng Đại Diện của Tổng Giáo phận. Một quốc doanh Phan Khắc Từ một vợ hai con vẫn ngự trị ngai Chánh xứ Vườn Xoài. Tổng Giáo phận liên tục bị nhóm quốc doanh Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Vương Đình Bích và Phan Khắc Từ  bám sát áp đảo, khuynh loát và chi phối trong mọi sinh hoạt.

Ngược lại, Giáo phận Huế dưới thời Đức TGM Nguyễn Kim Điền không hề bị Cộng sản khuấy đục nhờ thái độ kiên quyết không nhân nhượng của Chủ Chăn lưu tâm chăm sóc đàn chiên, không cho sói dữ trà trộn vào ràn chiên. Theo lời kể của Lm Hồ Văn Quý, có lẽ nhờ đó mà năm 1981, trong chuyến viếng thăm Ad limina của các Giám mục Việt Nam, khi tiếp kiến các Giám mục, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã gọi Đức Cha Nguyễn Kim Điền là “vị Tổng Giám mục dũng cảm” (le vaillant Archevêque). Với tinh thần dũng cảm ấy, Đức TGM lNguyễn Kim Điền luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chết để bảo vệ Chân lý, Công lý và Hòa bình, làm tiếng nói cho những người không có tiếng nói!

Chủ Chăn Ngô Quang Kiệt – Tinh thần Sống Chết với Chiên

Những ngày đầu Tháng Chín 2010, khi “gia đình Tổng Giáo phận TP HCM” rầm rộ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đức TGM Nguyễn Văn Bình, thì ngày 4/9 là ngày sinh nhật thứ 58 của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, khiến chúng tôi không thể không liên tưởng tới vị Mục tử đáng kính này.

Người Công giáo Việt Nam hầu như không ai không biết tới khí phách của Đức Tổng Kiệt. Tinh thần của Đức TGM Ngô Quang Kiệt chính là tinh thần dấn thân phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, tinh thần của vị Chủ Chăn chân chính lao mình vào giữa đàn sói đang nhe răng toan cắn nát đàn chiên. Và vì sự dấn thân can trường ấy mà Đức Tổng hứng chịu bao sóng gió dập vùi tơi tả từ biển đời đánh vào, trong khi những huynh đệ thân thiết bên trong lại toa rập mang tới cho ngài hết chén đắng này tới chén đắng khác.

Thánh Giuse là Quan Thầy của ngài, nên ngài dứt khoát đi theo con đường của Thánh Quan Thầy Giuse: Thinh lặng chịu đựng trước mọi oan khiên nghịch cảnh! Không một tiếng khóc! Không một lời than! Mãi mãi một nụ cười! Nụ cười hiền hòa, nhưng đằng sau là một ý chí sắt đá! Một tinh thần đấu tranh dũng cảm và quyết liệt vì sự sống còn của đàn chiên mà ngài có trách nhiệm coi sóc!

Dù ở chốn cao nguyên miền Bắc cô tịch như Lạng Sơn hay là giữa đô thị xô bồ phức tạp bầy sói dữ trà trộn vào ràn chiên, Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn là vị Chủ Chiên kiên vững chu toàn trọn vẹn trách nhiệm của mình, bất chấp mọi hình thức thù nghịch, chụp mũ, vu khống, lăng nhục, và nhất là hùa phe toa rập hãm hại ngài, giáng xuống ngài những đòn thù chí tử!

Đức Cha Hoàng Đức Oanh – Tinh thần Dám làm Dám nói

Chúng ta không quên Đức Cha Hoàng Đức Oanh, vị Giám mục coi sóc Giáo phận Kontum đèo heo hút gió tận vùng cao Trung phần Việt Nam. Ngài cũng là tấm gương sáng chói về tinh thần bênh vực quyền tự do tôn giáo, quyền tự do chính đáng của con người.

Ngày 15/9/2009, Đức Cha Oanh có gửi cho các em thiếu nhi Công giáo Giáo phận ngài những lời nhắn nhủ thiết thực, trong đó ngài thẳng thắn phê phán tình cảnh mà học sinh Công giáo phải gánh chịu suốt hơn 30 năm qua vào mỗi dịp lễ Chúa Giáng sinh: Học sinh CG buộc phải đến trường để căng óc làm bài thi đúng ngày lễ Giáng sinh. Ngài viết: Còn đúng 100 ngày nữa tới lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng hiện nay có nhiều em học sinh đã nghĩ tới kỳ thi học kỳ I. Tại sao vậy? Vì suốt hơn 30 năm qua – kể từ năm 1975 – kỳ thi này vẫn được xếp vào chính ngày Đại Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, mặc dầu đã có nhiều góp ý xây dựng. Nhiều học sinh vẫn bị cái ngày thi đó ‘ám ảnh’”!

Trong thư ngày 14/11/2009 gửi các Thầy Cô Công giáo trong Giáo phận Kontum mừng Ngày Nhà Giáo 2009, Đức Cha Oanh cũng thẳng thắn chỉ trích nền giáo dục của CSVN khi mà CSVN cho phép cả những nước gọi là “thế lực thù địch” được mở trường tại Việt Nam, trong khi lại tiếp tục ngăn chặn không cho các tổ chức tôn giáo tham gia vào việc giáo dục con em mình. Đức Cha Oanh nói lên suy nghĩ của mình bằng những lời lẽ đanh thép: “Phải chăng ‘Tôn Giáo vẫn còn được coi là thuốc phiện ru ngủ người dân?’ Thử hỏi một nền giáo dục mà không có ‘Tôn Giáo’ thì tương lai sẽ ra sao? Một con người chỉ được đào tạo cái tay, cái chân, cái đầu, cái óc mà không được giáo dục cái Tâm, cái Linh thì sẽ tạo ra những hình tượng gì?”Mới đây nhất, Đức Cha Oanh đã can đảm cử hành lễ phong chức linh mục cho các thầy Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn khi mà một vị Giám mục khác đã nhận lời rồi lại từ chối vì trong số các Thầy thụ phong có 2 Thầy bị CSVN xóa tên thụ phong mà Nhà Dòng vẫn nhất định giữ lại trong hàng ngũ các Thầy thụ phong.

Rồi ngày 28/8/2010, Đức cha Oanh lại cử hành lễ phong chức Phó tế cho 6 tân phó tế cũng tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã công khai chia sẻ tâm tư của ngài về biến cố lễ phong chức linh mục nói trên: Cách đây hai tháng tôi phong chức cho 9 anh em linh mục ở đây, trong đó có hai anh em không được sự chấp thuận của ‘xã hội’. Sau đó chúng tôi có dịp gặp gỡ những vị liên hệ, hôm nay tôi cũng chia sẻ với cộng đoàn một chút không ngoài mục đích để mỗi người chúng ta ý thức rằng chúng ta có ơn gọi, có sứ mạng loan báo Tin Mừng.”

Sau khi kể câu chuyện cổ tích về cách thức một vị hiền sĩ dạy đệ tử của mình hiểu thế nào là Tự do và Hạnh phúc, Đức Cha Micae Oanh nói: Người có niềm tin tôn giáo cũng tha thiết được sống với niềm tin của mình. Hể ai mà ép buộc thì chịu không nổi. Ép lần thứ nhất ráng chịu. Ép lần thứ hai cũng ráng mà chịu. Ép lần thứ ba thì chúng tôi cũng phải đạp. Mà khi đạp như thế thì xin đừng ai hiểu là chúng tôi phản động hay là âm mưu lật đổ chính quyền hay diễn tiến này nọ […] Không có đâu, chỉ có muốn thở thôi!”

Can trường biết mấy! Thâm thúy biết bao! Đáng ngưỡng phục thay tấm lòng và tiếng nói của một Mục tử! Những lời xác quyết cứng rắn trên đã làm nổ ran những tràng pháo tay giòn giã vang dội cả nhà thờ trong Thánh lễ truyền chức! Dư âm của bản tuyên ngôn về tự do và hạnh phúc trên chắc chắn sẽ nung thêm ý chí bất khuất cho bất cứ ai yêu chuộng Tự do, Công lý và Hòa bình để mưu cầu Hạnh phúc cho con người.

Kết luận

Các quan chức Đảng và Nhà nước CSVN luôn luôn hô hào “xóa bỏ hận thù”, “hoà giải dân tộc” và “đối thoại”. Nghe ngọt ngào lắm! Nhưng bịp, bịp lắm, xuất phát từ chủ nghĩa đại bịp! Chúng tôi thách thức bọn chúa bịp này có gan hãy để cho người dân mở tọa đàm, tổ chức đại hội tôn vinh tinh thần các Chủ Chăn của mình từ ĐHY Nguyễn Văn Thuận, Đức TGM Nguyễn Kim Điền tới Đức TGM Ngô Quang Kiệt và Đức Giám mục Hoàng Đức Oanh cùng những vị lãnh đạo tôn giáo chân chính khác dám bênh vực Tự do tín ngưỡng, bảo vệ Công lý và Hòa Bình, phát huy quyền làm người ngay trên quê hương đất nước mình.

Đóng kịch trình diễn tham gia buổi lễ, dâng hương bái vọng hay gửi tới những lẵng hoa tưởng niệm chẳng qua chỉ là những màn ảo thuật nghi lễ che mắt rẻ tiền kiểu “miệng nam mô… bụng một bồ dao găm” kèm với mã tấu, súng đạn và tù đày, may ra có thể làm mờ mắt một thiểu số người nhẹ dạ cả tin, một thiểu số “đến nay vẫn còn sợ,” một thiểu số bị gài kẹt trong bẫy tiền, bẫy tình hay một thiểu số trót ăn “bánh vẽ”  mà thôi, chứ làm sao mê hoặc nổi  những người đã rõ bộ mặt thật gian dối của Cộng sản?

Tháng 9/2010

Lê Thiên

lethien03@yahoo.com


[1][1] Linh mục Chân Tín – Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình: Tổng giám mục tổng giáo phận Sài Gòn DƯỚI CHẾ ĐỘ MỚI. Bài viết này được phổ biến trên các trang điện tử ngày 26-08-2010.

[1][2] Lời kể của Lm Nguyễn Văn Lý. Bài viết của Linh mục Hồ Văn Quý cũng đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II chia sẻ với Đức Cha Điền về ý tưởng “Collaborer en résistant.”

Nguồn: Nữ Vương Công Lý

  1. cungnguyen
    14.09.2010 lúc 06:15

    Co nhung chuyen nguoc doi cua thoi cong san:
    Ngay truoc duoi thoi Cong Hoa, cac giam muc tot lanh dao duc, lay cuoc doi guong mau giang day dan chung, va dan chung nghe theo.
    Ngay nay, duoi thoi cong san, hong y va nhieu giam muc khong con tu cach, lua dao dan chung bang nhieu cach the (nhu le gio giam muc Nguyen van Binh, dai hoi dan Chua sap den) nen bi giao dan Giao duc va Sua Day hang ngay tren cac trang webs. The co vinh du gi dau?
    The ma co nhieu vi van cu chay theo NINH BO cong san de duoc lam giam muc. Phai chang voi ho, lam giam muc la de duoc Vinh Thang, de duoc Huong Loi? Khong, lam giam muc la de PHUC VU chu khong phai de duoc Huong Loi nhu can bo cong san. Phai thay doi quan niem sai lam nay, cac ngai oi!!!
    Co le giao hoi cung can phai bo het nhung AO MU ben ngoai de chi con CHU TRONG den TINH THAN PHUC VU ben trong.
    cungnguyen.

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này