Trang chủ > Bình Luận, Giáo dân lên tiếng > Bạn đọc hỏi: Linh mục có quyền gì với tài sản giáo xứ?

Bạn đọc hỏi: Linh mục có quyền gì với tài sản giáo xứ?

LTCG (15.11.2010)

BBT Nữ Vương Công Lý nhận được một số email của giáo dân từ nhiều nơi đặt câu hỏi xin được trả lời về quyền hạn giải quyết đất đai, tài sản của Giáo xứ, giáo họ và giáo hội.

Tuy nhiên, khả năng về giáo luật, pháp luật của chúng tôi có hạn. Chúng tôi nêu câu hỏi tại đây để quý vị thông thạo về giáo luật và pháp luật giải đáp hộ độc giả.

Đây là bức thư mới nhất chúng tôi nhận được cùng với một số bức thư khác nói về những bức xúc của giáo dân khi linh mục quản xứ, quản nhiệm tự ý quyết định những tài sản không thuộc thẩm quyền của mình mà thuộc quyền của giáo xứ nhưng gây nguy hại cho giáo xứ để mình được yên thân.

Chúng tôi chưa có điều kiện xác định các dữ liệu được nêu trong bức thư này, vì vậy chúng tôi tạm giấu tên và địa chỉ.

Nếu vấn đề không được giải quyết đúng pháp luật, giáo luật, chúng tôi sẽ không ngại điều tra nói rõ trước công luận về vụ việc này.

Hà Nội, ngày 12/11/2010

Kính gửi: BBT Nữ Vương Công Lý

Chúng tôi là những giáo dân tại xứ(…) thuộc TGP Hà Nội

Chúng tôi viết thư này trong hoàn cảnh toàn thể giáo dân chúng tôi được biết cách giải quyết đất đai của giáo xứ chúng tôi từ xưa đến nay và nhất là gần đây có nguy cơ biến mất tài sản của giáo hội.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với quan điểm của quý vị cất tiếng nói của sự thật, công lý, quý vị sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ và cách hành động như thế nào để bảo vệ tài sản giáo hội.

Xin quý vị tư vấn giúp đỡ chúng tôi.

Tại giáo xứ chúng tôi đã và đang xảy ra hiện tượng linh mục tự ý giải quyết cho, bán, nhượng… đất đai, tài sản của giáo xứ.

Giáo xứ chúng tôi có lịch sử lâu đời, tại đây cũng là nơi đã có các giám mục, linh mục và nhiều đấng bậc đã cai quản, đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn dưới chế độ cộng sản, nhưng giáo xứ vẫn tồn tại và giáo dân vẫn giữ vững niềm tin, nhiệt thành với giáo hội. Tại giáo xứ chúng tôi, có cả Thánh tử đạo Việt Nam trong 117 vị Thánh đã được tôn vinh, chúng tôi tự hào về điều đó.

Trước đây, đất đai của nhà thờ, nhà xứ rất rộng rãi và có nhiều cơ sở như nhà thờ, nhà xứ, vườn, ao… Sau ngày CSVN chiếm đóng và cướp đoạt giáo dân vẫn kiên trì đổ công sức, mồ hôi và máu để giữ gìn, vì vậy đến nay vẫn giữ được nhà thờ và khuôn viên xung quanh với một số vị trí khác đang thuộc quyền của nhà thờ.

Vào thờ kỳ cộng sản đang tâm chiếm đoạt nhiều nhà thờ, nhà xứ và những công trình của giáo hội một cách khốc liệt nhất không dựa trên bất cứ quy định pháp luật nào, chủ chăn của chúng tôi lúc đó đã thấy nguy cơ đất đai của giáo xứ bị cướp nên đã cho một số người công giáo không có nhà cửa vào mượn để tá túc qua cơn khó khăn. Đó là thời kỳ khát máu của CSVN.

Thậm chí, ngay cả nhà xứ cũng đã có một số phòng cho các gia đình tạm mượn để ở mà hoàn toàn không phải là sở hữu của họ.

Kể từ đó, số giáo dân này ở đất của nhà thờ đến nay đã mấy chục năm. Thời gian qua đi, nhiều linh mục quản xứ đã yêu cầu không xây dựng thêm các công trình trên đất đai của nhà thờ nếu còn ở đó mà chưa có nơi di chuyển để trả lại.

Một số giáo dân đạo đức không tham lam khi đã tìm được chỗ ở mới thì đã trả lại cho nhà thờ đất đã mượn. Giáo dân chúng tôi hết sức cảm kích trước những tấm lòng đạo đức này.

Nhưng, vẫn có một số người dù đã có đất đai riêng vẫn muốn chiếm đoạt đất đai tài sản của giáo xứ và bất chấp lương tâm, đạo đức dù nhà thờ hết sức chật chội, nhà xứ không có để sinh hoạt. Vì thế thường không có linh mục tại xứ mà chỉ là kiêm nhiệm.

Gần đây, tòa Giám mục điều chuyển một linh mục về xứ chúng tôi. Cả xứ vui mừng kết hợp với cha xứ để xây dựng lại nhà xứ. Với ba hộ đang ở tại nhà xứ, có hai hộ gia đình đã đồng ý cách giải quyết của nhà thờ là hỗ trợ một số tiền và tự tìm nơi di chuyển đi để giáo xứ có chỗ sinh hoạt.

Cả giáo xứ nô nức sửa chữa, trùng tu nhà xứ đẹp đẽ và đã khánh thành, cha xứ đã về sinh hoạt ở đó.

Riêng còn một hộ ở đó cũng di chuyển đi, nhưng khi nhà xứ sửa chữa xong thì vào chửi bới, dọa nạt linh mục chính xứ. Bà con giáo dân rất bất bình nhưng chưa ra tay.

Gia đình này vẫn có đất đai, nhà cửa cho thuê ở ngoài nhưng vẫn bám vào nhà xứ để kiếm. Chính vì vậy mà khi làm nhà xứ, giáo dân đã quyết định là chỉ hỗ trợ họ một số tiền, lẽ ra họ ở nhà của xứ phải trả tiền nhưng xứ đã không màng đến chuyện đó. Ngược lại, bà mẹ người này đã khẳng định rằng còn sống thì không để anh ta chiếm đất nhà xứ.

Khi anh ta đến, giáo xứ đã trả lời rõ ràng: Nhà xứ của giáo xứ phải được sử dụng cho giáo xứ, nếu anh di chuyển, giáo xứ chỉ hỗ trợ một ít, nếu không thì cứ đưa đơn đi kiện.

Một số người ngay cả người không công giáo cũng nói rằng việc anh ta phải đi là đúng, thậm chí có viên công an còn bảo “giáo dân họ hiền lành chứ không nó đánh bỏ mẹ chẳng làm được gì, đất nhà của anh đâu mà đòi, đã ở nhờ thì phải trả tiền”.

Bỗng nhiên, giáo dân nghe rằng cha xứ đã đồng ý cho gia đình kia vào ở khu đất rất rộng rãi đến 70 mét vuông mà một giáo dân đạo đức mới trả lại, giáo xứ mới xây dựng hàng rào bao quanh.

Nhận được tin này, một số giáo dân đã hết sức bất bình, chẳng lẽ những người đạo đức hi sinh lại chấp nhận thua thiệt chỉ để cho những người cà chớn, tham lam hưởng lợi hay sao.

Giáo dân đã trực tiếp hỏi cha xứ, cha bảo rằng cha chỉ “hoán vị” vị trí mà không nói hoán vị như thế nào. Đồng thời, giáo dân thấy gần đây trên tòa giảng, cha xứ rao giảng là phải “bác ái, thương người” liên tục mà giáo dân thừa biết là ngài đang định nói gì.

Điều tế nhị ở đây, là người được “ưu đãi” này lại là có họ hàng với linh mục quản xứ nên giáo dân càng bức xúc hơn.

Việc cho, nhượng này cha xứ hoàn toàn không thông báo cho giáo dân.

Thậm chí, giáo dân còn bảo là cha xứ nói: “Tôi chịu trách nhiệm về việc này, nếu cần, tôi xách vali đi ngay”.  Nhưng giáo dân thì không biết được cha xứ sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi đã cho, bán đất của giáo xứ? Giáo dân bảo nhau rằng thà không có linh mục, chúng tôi đi lễ nơi khác, còn hơn có linh mục nào thì lại được các ông đi bán đất nhà xứ cho yên thân. Dòng máu tử đạo đổ xuống không phải chỉ để ngày nay các linh mục yên thân và tự tung tự tác trên tài sản giáo hội.

Giáo dân chúng tôi đã nói với cha xứ là cứ để xem anh ta có dám đưa gia đình vào ở trong nhà xứ hay không? Nếu anh ta liều lĩnh, giáo dân sẽ hành động. Nhưng cha xứ đã bỏ ngoài tai để ở đó cho yên thân. Nếu cần, chúng tôi sẽ nói rõ về vài vị linh mục được cử đến nơi này thời gian qua với đủ tình tiết, buồn vui.

Trước đây, có một linh mục quản nhiệm xứ này cũng đã âm thầm chấp nhận để cộng sản cướp đất của giáo xứ một cái ao đến cả hàng ngàn mét vuông gây sự ấm ức cho giáo dân, thế rồi linh mục này cũng đã chuyển đến nơi khác an toàn, còn giáo xứ thì mất đất đai, tài sản, thậm chí tiền cũng không thấy.

Khu đất đó hiện nhà nước đã xây thành chung cư bán thu tiền, mà giáo dân đâu có được hưởng lợi bất cứ thứ gì.

Nay chúng tôi không thể chấp nhận linh mục âm thầm bán đất, nhượng tài sản của giáo xứ mà không có ý kiến giáo dân cũng như làm thất thoát tài sản giáo hội.

Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng cho việc này, kể cả sẽ có đơn đến Tòa Tổng Giám mục Hà Nội để Đức cha Nhơn giải quyết.

Vì thế chúng tôi xin BBT Nữ Vương Công Lý cho chúng tôi biết: Tài sản của giáo xứ, của giáo phận, linh mục có được tự quyền định đoạt mà không có ý kiến giáo dân hay không? Trong trường hợp này, chúng tôi cần làm gì để bảo vệ tài sản giáo xứ và giáo hội?

Xin mọi người giúp đỡ chúng tôi.

Xin Chúa quan phòng gìn giữ giáo xứ chúng con.

Kính xin cám ơn

Giáo dân xứ…

Nguồn: Nữ Vương Công Lý

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này