Trang chủ > Bình Luận, Giáo dân lên tiếng > Buôn Thần Bán Thánh?

Buôn Thần Bán Thánh?

LTCG (05.03.2011)

Tôi có đọc bài viết của tác gỉa Hà Minh Tâm “Thảm trạng tại GP Bùi Chu: Giáo xứ Giáo Lạc, nhà thờ đóng cửa, giáo dân chia rẽ sâu sắc, vì sao?” được đăng trên nuvuongcongly.net ngày 28/2/2011. Trong bài viết này tác gỉa có đề cập đến một chuyện khá lạ tại giáo phận Bùi Chu là việc Đức giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm có chủ trương “Xứ nào có đủ 100 triệu đồng nộp về Đức Cha, thì nhà thờ sẽ được nâng cấp lên Đền Thánh. Vậy là linh mục quản xứ Giáo Lạc mang 100 triệu đồng nộp về Tòa Giám mục như một số xứ khác để mong nhà thờ được nâng cấp thành Đền Thánh”.

Tôi không biết Giáo luật có quy định những điều kiện cần phải có để một nhà thờ được nâng lên thành Đền Thánh hay không? Nhưng theo cách hiểu thông thường thì Đền Thánh là: Một nơi lưu giữ các thánh tích, tượng, ảnh v.v. có tính cách linh thiêng. Một địa điểm được tôn kính như quê quán, nơi chết hay là nơi chôn cất một vị thánh. Một nơi được xác nhận là đã xẩy ra những phép lạ. Một nhà thờ hay một nhà nguyện được nhiều người hành hương đến xin ơn chữa lành thể xác hay tinh thần. Một công trình kiến trúc hay thánh đường được xây cất để dâng hiến Chúa, Đức Mẹ hay một vị Thánh.

Theo một tài liệu tôi tìm được trên internet thì trong 50 tiểu bang của Hoa Kỳ chỉ có 33 tiểu bang có Đền Thánh với con số tổng cộng 114 Đền Thánh. Một nửa trong số các tiểu bang này chỉ có duy nhất một Đền Thánh. Tiểu bang có nhiều Đền Thánh nhất là New York với con số 14 Đền Thánh. Không biết ở Việt Nam có bao nhiêu Đền Thánh nhưng theo cách thức của Đức Cha Tiệm thì chẳng bao lâu sẽ xẩy ra  tình trạng “lạm phát” Đền Thánh và giáo phận Bùi Chu có thể sẽ có số Đền Thánh nhiều hơn cả nước cộng lại.

 

Cũng trong bài viết này tác gỉa viết “Thế nhưng đến cuộc họp Hội đồng Linh mục Giáo phận, nhiều ý kiến phản đối sáng kiến ‘bán danh hiệu Đền Thánh kiếm tiền’ này  của Đức GM Giuse Hoàng Văn Tiệm, và việc nâng lên thành Đền Thánh cho những nơi nộp đủ tiền đã không thể thực hiện”. Tác gỉa viết tiếp “Lẽ ra, đúng phép công bằng, khi tiền đã trao mà cháo không múc thì phải trả tiền lại. Nhưng Đức Cha Giuse Hòang Văn Tiệm đã ra một luật mới rất đạo đức là tiền đã nộp vào TGM rối thì không được lấy ra”

 

Cho đến lúc tôi viết những dòng này thì bài viết của tác gỉa Hà Minh Tâm đã có đến 63 ý kiến phản hồi. Hầu hết ý kiến phản hồi đều phản đối chủ trương và việc làm phi lý của ĐGM Hòoàng Văn Tiệm khi đòi hỏi các giáo xứ phải có 100 triệu nộp về TGM như là điều kiện tiên quyết để được cứu xét nâng nhà thờ lên Đền thánh và khi không được thì cũng không được lấy lại tiền. Chỉ có một ý kiến bênh vực với lập luận như sau:

 

“… tại Giáo Phận Bùi Chu, do có rất nhiều nhà thờ xin được lên Đền Thánh, có rất nhiều họ lẻ xin được lên Xứ – lên hết có mà loạn. Trước thực trạng như vậy, Đức Cha Hoàng Văn Tiệm đã đưa ra điều kiện để Nhà thờ được xét duyệt lên Đền Thánh là phải đóng một trăm triệu sau đó lấy ý kiến biểu quyết của toàn bộ các linh mục trong giáo phận, nếu đủ số phiếu thì được còn không thì số tiền đó sẽ không được hoàn lại – Mục đích có lẽ để ngăn chặn xứ nào cũng muốn lên Đền Thánh. Tương tự Họ lẻ nào muốn lên Xứ thì phải đóng 50 triệu (theo dư luận giáo dân thì đây là chi phí đào tạo linh mục để coi xứ – chả lẽ tiền ở trên trời rơi xuống), sau đó xin ý kiển biểu quyết của các cha toàn giáo phận, không đủ số phiếu thì mất tiền.”

Nghe sao mà nó trần tục qúa, chẳng khác gì một cuộc đỏ đen! Bỏ ra 100 triệu nếu hên thì đựợc nâng lên Đền Thánh còn xui xẻo thì kể như … tiền mất tật mang!. Hên xui là đối với  giáo xứ nào háo danh thôi còn TGM thì chỉ được chứ chẳng có mất mát gì.

 

Lý lẽ nêu ra để bào chữa chẳng có thể thuyết phục được ai. Việc đùng danh hiệu Đền Thánh làm mồi nhử lấy 100 triệu tự nó đã là không chính đáng rồi huống hồ khi không được nâng lên Đền Thánh thì mất luôn tiền. Lợi dụng sự nhẹ dạ, lòng háo danh của giáo dân để biến một việc thiêng liêng thành một việc làm trục lợi là một tội ác, không thể chấp nhận được.

 

Có nhiều người nghi ngờ Đức Cha Tiệm đã dùng số tiền kiếm được kiểu này vào mục đích riêng tư. Nhưng nghi ngờ vẫn chỉ là nghi ngờ khi không có bằng chứng. Theo tôi nghĩ TGM Bùi Chu cũng chỉ dùng số tiền thu được vào việc công nhưng vấn đề là việc chi tiêu đó có hợp lý và thật cần thiết hay không?

 

Tôi chưa bao giờ đến Bùi Chu nhưng nghe nói “Công Trường Mân Côi” ở Bùi Chu là một công trình vô cùng tốn kém. Linh mục Ngô Tôn Huấn được những người về Việt Nam cho biết ở  công trường này Kinh Mân Côi được viết bằng 150 ngôn ngữ khác nhau trên những tấm đá cẩm thạch đắt tiền” khiến linh mục phải kêu lên “Để LÀM GÌ? để xây dựng con người Kitô giáo cho có chiều sâu thích đáng hay để phô trương hợm hĩnh với du khách?”. Linh mục Ngô Tôn Huấn viết tiếp về cái công trình tốn kém này Vả lại, ai đến đây để đọc kinh Mân Côi với 150 ngôn ngữ khác nhau viết trên những phiến đá cẩm thạch đắt tiền như vậy? Giáo Dân Việt Nam ai có khả năng đọc được 150 ngôn ngữ thế giới mà trưng ra để lòe họ? Còn du khách ngoại quốc thì Bùi Chu có phải là một ‘kỳ quan’ của thế giới, có sức thu hút mọi người ở khắp mọi nơi đổ về đây để chiêm ngưỡng không? Vậy thì ‘Công Trường kia’ để cho ai thưởng ngoạn?”.

Đức cha Nguyễn Văn Sang khi còn là Giám mục Thái Bình, sau khi đến thăm Đức giám mục Bùi Chu hồi tháng 2/2008 đã hết lời ca tụng những công trình hoành tráng của Bùi Chu “ … ngài dẫn chúng tôi tới thăm viếng Đức Mẹ Mân Côi ngự giữa vòng tràng hạt bằng đá. Mỗi hạt nặng 25 kg trông hoành tráng và đồ sộ. Tôi nói vui với ngài: mỗi hạt này là một hạt vàng, cho nên giáo phận Bùi Chu giầu đến thế. Ngài lại đưa chúng tôi tới thăm cây vả như đã nói tới trong Phúc Âm: cành lá sum suê, có nhiều trái biểu hiện cho mỗi tín hữu có nhiều công phúc. Sau cùng ngài đưa chúng tôi tới tới nhà nguyện TGM. Gọi là nhà nguyện nhưng đúng hơn là nhà thờ lớn lao đẹp đẽ. Ngay cửa ra vào là một phòng dâng kính các Thánh Tử Đạo Bùi Chu, gồm 25 bức tượng từ Giám mục, linh mục, tu sỹ, giáo dân trông rất cảm động và sốt sắng. Chúng tôi tới hành lang căn phòng thấy có nhiều bức tượng, từ Đấng giảng đạo đầu tiên ở Bùi Chu (Ninh Cường 1533 cũng là đầu tiên ở Việt Nam, Inikhu). Rồi các tượng to như người thật của Đức Giám mục tiên khởi như Pierre de Lamotte, Đức Cha Cẩn, Đức Cha Chi, Đức Cha Tĩnh, Đức Cha Cung, Đức Cha Nhất. Về phía đầu hồi là tượng các dòng tu (toàn dòng nữ như: Đaminh, Mân Côi, Trinh Vương …), trông các bà như các bà đầm môi son má phấn hơn là các tu sỹ. Ở tầng trên là nhà nguyện tôi đã tham quan cách đây mấy năm, ở đầu có một gian dùng để ca ngợi tình mẫu tử. Tôi thấy có một tượng Đức Mẹ là trinh nữ tuổi 18, 20 ngồi võng bế con, đang vạch vú cho Chúa bú rất cụ thể. Chắc ý tưởng này là một ý tưởng của Đức Cha Giuse cũng nên… Bên cạnh là một giàn treo 3 chiếc chiêng mua từ Hội An Đà Nẵng về. Ngài mời tôi đánh lên. Mỗi chiếc chiêng có âm thanh êm ái ngọt ngào khác nhau, diễn tả tinh thần các gia đình công giáo với lòng tôn kính Đức Mẹ Maria”

Khi chiêm ngưỡng một tượng Đức Mẹ là trinh nữ tuổi 18, 20 ngồi võng bế con, đang vạch vú cho Chúa bú rất cụ thể”. Đức cha Sang  khen “Chắc ý tưởng này là một ý tưởng của Đức Cha Giuse cũng nên…” nhưng tôi nghe bức tượng này đã  gây ra nhiều lời bình phẩm. Tôi hỏi một linh mục đã đến Bùi Chu về  bức tượng này, vị linh mục lắc đầu thở dài “chẳng còn ra thể thống gì”. Tôi không am hiểu về nghệ thuật nhưng tôi tin rằng hình ảnh Đức Mẹ vạch vú cho Chúa Giêsu bú là một hình ảnh qúa táo bạo nếu không muốn nói là lố lăng không thích hợp với cách nhìn và  suy nghĩ của với người Công giáo.

Xây dựng những công trình để ca tụng Chúa, tôn vinh Đức Mẹ là việc nên làm nhưng phung phí tiền bạc vào những công việc không thực sự cần thiết, chỉ để phô trương là điều không nên làm. Nhất là những công trình ấy lại được hoàn thành từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt, từ những hy sinh của giáo dân hay do việc buôn thần bán thánh thì hoàn toàn không chính đáng.

Lại Thế Lãng

Vermont- USA

Nguồn: NVCL

  1. 05.03.2011 lúc 12:38

    Duc Cha Doc dau khong thay len tieng ,bao cao ve Toa Thanh

  2. Hoàng Tiến
    08.03.2011 lúc 21:00

    Tôi đã được xem “Công Trường Văn Côi”, thật là hoành tráng. Nhưng tôi cũng có một thắc mắc: không biết các câu kinh bằng các thứ tiếng có đúng với ngôn ngữ đó không? Vì ngay bản Tiếng Việt tôi thấy cũng có vấn đề. Mong các chuyên gia ngôn ngữ trên thế giới tới để coi giùm, sửa lại, nếu chỗ nào còn thiếu sót, để một công trình hoành tráng như thế không còn mắc lỗi. Xin đa tạ.

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này