Trang chủ > Bình Luận, Tìm hiểu > ĐẠO CHÚA – ĐẠO XUẤT THẾ

ĐẠO CHÚA – ĐẠO XUẤT THẾ

LTCG (12.02.2012)

               Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với hai ngàn tín hữu  và  du khách  hành hương trong sân nhà nghỉ mát Castel trưa chủ nhật 5/9/2010, đức Thánh cha   Benedicto XVI  đã ra lời kêu gọi mọi người đặc biệt là giới trẻ khắp nơi trên thế giới ngày nay “ Hãy bén rễ sâu nơi  Chúa Kito, can đảm đi ngược dòng đời, sẵn sàng xả thân cho sự thiện, công lý và sự thật” ( Nguồn Vietcatholics New ngày 06/9/2010 ) ở đây ta có thể lập lại lời của đức Thánh cha, đồng thời khẳng định hết thảy mọi người cần phải đi ngược dòng đời bởi vì đó chính là bản chất xuất thế của Đạo Chúa “ Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghen ghét các ngươi” Ga 15, 19 ). Có thể nói lịch sử Đạo Chúa là lịch sử của những cuộc bách hại nối tiếp và nguyên nhân của sự bách hại ấy cũng đã được Chúa báo trước “ Ví bằng thế gian  ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng chúng đã ghét  bỏ Ta trước các ngươi” Ga 15, 18 ). Lời tiên báo cũng như  thực tế lịch sử cho thấy  giữa Đạo Chúa  và thế gian không thể có sự hòa hợp tức cùng  nhau  trên một con đường. Đường thế gian  thì xuôi dòng còn đường Chúa thì ngược dòng, không thể có cách nào  khác.  Thế nhưng hiện nay trong thời tục hóa này, người ta lại đưa ra một quan điểm  hoàn toàn khác “ Không có gì mâu thuẫn đối nghịch giữa thế gian và Nước Thiên Chúa, bởi vì không những thế gian này đã được  dựng nên và cứu chuộc vì chúng ta và cho chúng ta, nó vừa là môi trường là phương tiện để chúng ta hình thành đời mình và thực hiện ơn gọi làm Con Chúa  vừa là thực tại mà từ  nó, với nó chúng ta hình thành thế giới tương lai” ( TC – Ns Cg & Dt số 15/96).

            Xây dựng thế giới tương lai ngay trên mặt đất này, đó là chủ trương của thời tục hóa, nó đã và đang chi phối giáo  hội trên khắp các lĩnh vực để rồi từ đó dẫn tới việc bất tuân huấn quyền kể cả việc phạm Thánh một cách hết sức nghiêm trọng “ Tại Hà Lan với sự nhất trí của các bề trên miền Dòng. Hai tuần trước khi tự sắc “ Summum Pontificum” có hiệu lực, các tu sĩ dòng Daminh  đã phân phát ở mỗi  một trong 1300 giáo xứ Công giáo một tập sách nhỏ dày 38 trang có tựa đề “ Kerk en Amb ( Giáo hội và sứ vụ ) trong đó họ đề nghị biến đổi thành luật chung những gì được thực hiện một cách tự phát trong những  nơi  chốn  khác nhau. Các linh mục dòng Đaminh  đề xuất rằng  khi vắng  linh mục, một người được chọn trong cộng đoàn sẽ chủ trì việc cử hành Thánh Lễ. Không quan trọng người đó  là đàn ông hay  phụ nữ, một người đồng tính hay giao hợp khác giới, đã lập gia đình hay còn độc thân. Người được chọn này và cộng đoàn được mời gọi cùng xướng chung những lời truyền phép. Việc xướng những lời này không phải  là một đặc quyền dành riêng cho linh mục. Những lời như thế cấu thành sự diễn tả có ý thức về đức tin của toàn thể cộng đoàn” ( Nguồn Tâm linh Tôn giáo – Dũng Lạc ). Đức tin Công giáo biểu lộ một cách sâu xa nhất trong mỗi Thánh Lễ, thế nhưng ở đây đức tin ấy đã bị chà đạp một cách trắng trợn và điều quan trọng đáng nói là nó đã được sự đồng thuận không những chỉ của các bề trên miền dòng Đaminh Hà Lan mà của cả Tổng Bộ Dòng ở Roma. Có thể nói cuộc khủng hoảng do mất phương hướng đã ăn sâu vào tới tận cốt tủy  của giáo hội và sở dĩ có sự mất phương hướng ấy chính là ở chỗ  người ta đã thay thế con đường ngược dòng của Đức Kito bằng con đường xuôi dòng của thế gian. Xuôi theo dòng đời thì chắc là sẽ được thế gian để yên cho thế nhưng  đó chỉ là cái yên ổn giả tạo với hậu quả là sự diệt vong  có thể thấy trước.  Trái lại, ngược với  đời sẽ được Chúa chúc  phúc nhưng sẽ bị đời chà đạp khinh miệt “ Các nhà lãnh đạo giáo hội đang bị xỉ vả  trên truyền thông và ngay tại các tòa án chỉ vì đã dám phát biểu giáo huấn Công giáo. Như quý vị còn nhớ cách nay mấy năm một trong các chính khách hàng đầu của thế hệ chúng ta, ông Rocco Buttiglione đã bị từ khước một chức vụ lãnh đạo trong Liên Hiệp Âu Châu chỉ vì các niềm tin Công giáo của ông. Đầu mùa hè này, chúng ta được chứng kiến một thứ côn đồ đầy  tính trả đũa chưa bao giờ  thấy trên lục địa này kể từ ngày có những phương pháp cảnh sát trị như Xô Viết và Quốc Xã = Tòa Tgm Brussels ( Bỉ ) đã bị nhiều viên chức tới lục lọi các giám mục  bị giam giữ và tra hỏi hàng chín giờ đồng hồ  bất chấp các thủ tục cần có. Các máy vi tính, điện thoại di động  và cả hồ sơ riêng của các ngài đều bị tịch thu.  Ngay cả đến các ngôi mộ người chết của giáo hội cũng bị cuộc ruồng bố trên xâm phạm” ( Diễn văn của đức tgm Charles Chaput giáo phận Denver Colorado đọc tại Slovakia – Nguồn Vietcatholics New 30/8/2010 )

 

             Thần học ngày nay cho rằng không có gì là mâu thuẫn giữa thế gian và Nước TC, cũng chính vì quan niệm như vậy thế nên người ta mới hô hào nhau xây dựng Nước Trời tại thế. Tuy nhiên xét cả về mặt thực tế lịch sử cũng như giáo thuyết  giải thoát của Đức Kito nó hoàn toàn trái ngược , một đàng Chúa dạy “ Chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” Mt 6, 34. ) Còn Thần học thì hoàn toàn trái ngược,  người ta bảo nhau  cần phải lo lắng chẳng những…chuyện trên trời mà còn cả dưới đất “  Vì vậy Thần  học không phải chỉ suy nghĩ về những thực tại thiêng liêng hay là siêu nhiên được coi như thượng tầng cấu trúc con người mà còn phải suy nghĩ về hạ tầng cấu trúc của nó. Thần học ngày nay không chỉ suy nghĩ về những “ sự trên trời” mà còn phải suy nghĩ về “những sự dưới đất”. Không chỉ suy nghĩ về những mầu nhiệm TC  mà còn cả về vật chất, về kinh tế, chính trị, khoa học. Thần học ngày nay cũng phải quan tâm đến cả những vấn đề sinh học, về ý nghĩa về vai trò của “gien” và di truyền  trong việc hình thành thể xác  và phẩm cách con người” ( TC – Ns Cg & Dt số 15/96 ).  Qua những lời này đã cho chúng ta thấy bản chất của Thần học tất cả chỉ là suy nghĩ, hết suy nghĩ chuyện …trên trời lại suy nghĩ chuyện…dưới đất. Thật ra với những cái gọi là suy nghĩ  ấy thì dù có suy nghĩ đến nát cả óc ra cũng chẳng có thể thấy biết được cái gì  ngoài ra là những quan niệm chết khô  chẳng mảy may ích lợi gì cho  cả người  lẫn  mình, nếu không muốn nói  nó  toàn là độc hại.  Đức Kito chẳng những không bao giờ, ở đâu Ngài có khuyên dạy con người cần phải suy nghĩ này nọ mà ngay  đến cả việc lo lắng cho đời sống bản thân cũng không cần “ Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất, còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được. Vì lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn mình thì nào  được ích gì ?  Mt 16, 25 – 26 )

              Mạng sống ám chỉ cho xác thân, ai cũng lo lắng nuôi nấng chăm lo cho thân xác muốn cho nó có được của ăn, cái mặc, nhà cửa, phương tiện xe cộ đầy đủ ngon lành . Có khi chỉ vì cái lo đó mà gây ra biết bao điều tội lỗi xấu xa…Thế nhưng dù có lo, có tài trí đến đâu  rút cục cũng không qua khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Mặt khác ai cũng muốn mình có được danh giá địa vị này khác, muốn được thỏa lòng mãn ý, được gần gũi kẻ thân thích ruột rà đồng thời xa lánh kẻ thù nghịch, thế nhưng tất cả đều không thể được bởi lẽ bản chất của đời sống nó là như vậy. Hễ  có thân, có sinh mệnh là có khổ. Lão Tử  nói “ Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân  ngô hữu hà hoạn” ( Ta sở dĩ có cái khổ lớn vì ta có thân, nhược bằng nếu ta không  thân thì đâu có khổ gì)  Có khổ là vì có thân, nhưng ai lại chẳng có thân, không thân thì biết lấy gì để nói năng, đi lại, làm lụng …? Như vậy vấn đề ở đây không phải là vì có thân mà khổ nhưng  bởi  nó chỉ là giả hợp không thật lại chấp nó làm thật nên mới khổ. Đức Kito đến với cõi thế  là để chỉ cho con người sự thật và  khi đã nhận ra sự thật ấy thì sẽ hết khổ tức được giải thoát “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ  Ta, các ngươi sẽ biết sự thậ và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” Ga 8, 31 – 32 ). Chúa nói muốn biết sự thật thì phải ổ trong Đạo, thực hành Đạo. Nói  cách khác chúng ta theo Chúa, thực hành những lời dạy của Ngài  mục đích là để Biết Sự Thật  và Sự Thật ấy chỉ có thể có được  bằng con đường xuất thế tức  từ bỏ

1/- Từ bỏ trong Cựu Ước.

 

             Khởi đầu con đường  Đạo Chúa là sự từ bỏ của tổ phụ Abraham cùng với lời hứa  “ Ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi  mà đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn, Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành một nguồn phước đức” Stk  12, 1 – 2) Tất cả những lời hứa này  đều đã được thực hiện  kể từ sau cuộc ra đi của tổ phụ.  Dân tộc lớn đó là  Đạo Thánh Chúa  đã lan truyền  khắp tứ phương thiên hạ cho đến toàn cõi đất  dù là hải đảo  xa xôi hay biên địa hẻo lánh. Abraham đã trở thành  tổ phụ của toàn thể những kẻ tin và cũng nhờ đó mà được hưởng vô vàn phước đức “  Vậy anh em phải biết rằng  kẻ nào có đức tin, nấy đều là con cái của Abraham. Kinh Thánh  cũng thấy trước rằng  ĐCT  sẽ công nhận dân ngoại là công chính bởi đức tin nên trước đã giảng Tin Mừng  cho Abraham rằng = muôn dân đều sẽ nhờ ngươi mà được phước đức” Gal 3, 7 – 8 ) Tổ phụ đã lên đường  từ bỏ quê hương xứ sở, mẹ cha anh em quyến thuộc …nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc hành trình đức tin còn rất nhiều  chông gai thử thách  phải vượt qua và có thể nói cuộc ra đi ấy chẳng khác nào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm “ Người ra đi mà không biết mình đi đâu.  Bởi đức tin  người kiều ngụ trongt Xứ đã hứa như trong xứ lạ. Ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa  thọ cùng một lời hứa với mình” Dt 11, 8 – 9 ).  Ra đi, phải từ bỏ tất cả những gì  thân thương  để rồi lại còn phải chịu một cuộc thử thách  mà nếu không phải là tổ phụ đức tin  như Abraham thì không một ai có thể vượt qua đó là phải giết  chính đứa con thừa tự của mình là Isaac ( Stk 22, 1- 8 ). Đã  gọi là thử thách thì tất có kẻ chiến thắng  nhưng cũng có người thất bại  nếu không có ơn phù giúp. Trong cuộc hành trình ra khỏi đất  nô lệ Ai  Cập  dân chúng oán trách  rất nhiều  “ Trọn ba ngày đi trong sa mạc mà  chẳng kiếm đâu ra nước uống …Đi tiếp đến đất Mara có nước nhưng lại đắng không thể uống được. Dân sự kêu la Maisen kêu cầu Chúa và Ngài bèn chỉ cho một cây gỗ  liệng xuống nước bèn hóa ngọt” Xh 15, 24 ) Ra đi khỏi xứ sở lưu đày nhưng khi gặp gian truân đói khát thì lại oán than “ Ôi ! thà rằng chúng tôi chiụ chết về tay Đức Giehova tại xứ Egipto  khi còn ngồi bên nồi thịt và  ăn bánh chán chê” Xh 16, 3 ). Đói khát  là một nhu cầu bức thiết của con người, Thiên Chúa rất biết điều ấy và khi con người kêu cầu  bao giờ Ngài cũng đáp ứng khi thì Mana khi thì chim cút  ăn đến phát chán thì thôi ( Xh 16 )  Mặt khác trong cuộc hành trình gian khổ suốt bốn mươi năm ấy ngoài nhu cầu vật chất xác thân , Dân Chúa cũng cần phải thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Trong khi Mai sen lên núi Sinai để tiếp nhận bảng đá ghi chép luật lệ và các giới răn thì dân sự ở  bên dưới thấy ông lâu về bèn ép  phó tướng Aron đúc tượng bò vàng để thờ ( Xh 32 ) Khi Maisen từ trên n úi xuống thấy vậy  vô cùng tức giận “ Lấy bò vàng của chúng đã đúc  đem thiêu trong lửa rồi nghiền cho đến thành tro bụi rải trên mặt nước, còn lại bao nhiêu đem hòa với nước bắt dân Itsraen phải uống ( Xh 32, 20 ).

              Con người chỉ nhận biết bằng hình tượng âm thanh sắc màu , nhưng điều ấy không thể đẹp lòng Thiên Chúa. Maisen một lần nữa phải trở lại núi Sinai, “ Ở đó cùng Đức Giehova  trong bốn mươi ngày đêm không ăn bánh cũng không uống nước. Đức Giehova chép trên hai bảng đá các lời giao ước tức Mười Điều Răn” Xh 34, 28 )  Maisen phải lên núi Sinai lần  thứ hai, sống cùng Thiên Chúa suốt bốn mươi đêm ngày không ăn không uống  thì mới có được Mười Điều Răn  vô cùng quý giá để cho  con người  theo đó mà  sống đạo thực hành. Điều ấy chứng tỏ gì  nếu chẳng  phải  Thiên Chúa  muốn cho Dân Ngài  phải sống đạo  từ bỏ xuất thế  ?  Tổ phụ  thì từ bỏ quê hương bản quán mẹ cha anh em còn Dân Chúa thì quyết chí ra đi bỏ lại đằng sau đất nô lệ AiCap  là để có một cuộc sống hạnh  phúc viên mãn đời đời chứ đâu có phải lại bám lấy cõi trần ai khổ lụy ?.  Thật sự thì Đất mà Thiên Chúa Hứa ban cho tổ phụ Abraham không hề tồn tại trên mặt đất này . Nhưng vì con người còn u mê ám chướng nên trong suốt cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc và sau đó khi đã chiếm ngự được miền Canaan rồi bị  bắt đi đầy, rồi trở lại đó cách nay  chưa đầy một thế kỷ.  Dân Do Thái  cho đến giờ vẫn còn nuôi ảo vọng  về cái miền Đất Hứa mơ hồ ấy, để rồi không tin  vào Đức  Giesu Kito Đấng Trung Gian dẫn đường mặc dầu  Thiên Chúa  đã  hứa với Maisen là sẽ ban Đấng  Cứu Thế cho Dân Ngài “ Ta sẽ lập lên cho chúng một Đấng Tiên Tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng. Ta sẽ lấy các lời Ta đặt để trong miệng Ngài thì Ngài sẽ nói cho chúng mọi điều Ta phán dạy ngươi” Đnl  18, 17 ). Tiên tri sẽ được lập ở đây không phải đấng nào khác  mà đó chính là Chúa Kito, Ngài sẽ thay thế Maisen trong sứ mạng mới để dẫn đưa Dân Chúa vào nơi Đất Hứa Nước Trời.

2/-  Từ  bỏ  trong  Tân Ước

             Kinh Thánh là sách chứa đựng các giao ước, vì thế chúng ta mới có hai phần gọi là Cựu Ước và Tân ước. Mặc dầu phân ra như thế nhưng hai phần ấy lại nối kết với nhau như cùng một dòng sông mà Cựu ước là thượng lưu còn Tân Ước là hạ lưu. Sở dĩ gọi là thượng  bởi vì có hạ, ngược lại không có hạ thì làm gì có cái gọi là thượng ?  Ví  như một dòng sông để cho thấy  Kinh Thánh không thể tách rời. Tuy nhiên thực tế  thì với Do Thái giáo cho đến giờ họ vẫn không hề công nhận Chúa Giesu là Đấng Cứu Thế, điều ấy có nghĩa họ hoàn toàn không có phần Tân Ước. Ngược lại với Kito giáo thì hầu như cũng rất miễn cưỡng chấp nhận Cựu ước, nếu không muốn nói là gần như chối bỏ. Một dòng  sông mà nếu đắp đập ngăn chặn lại thì đó chỉ còn là hai cái hồ nước  đọng, sớm muộn gì cũng phải cạn kiệt. Như Thánh Augustino nói cần phải nhận ra được tính chất nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước thì mới hiểu được Kinh Thánh trong toàn cục của nó “ Tân Ước giấu ẩn trong Cựu Ước. Cựu ước tỏ lộ trong Tân Ước ( Novum Testamentum in Vetere  latet  et in Novo Vetus patet ).

Giao ước là sợi chỉ xuyên suốt  trong cuộc hành trình của Dân Chúa  tiến về Đất Hứa.  Maisen đã kết thúc vai trò của mình với cuộc xuất hành  khởi từ đất nô lệ Ai Cập về miền Đất Hứa Canaan. Thế nhưng đây không phải là Đất “ Đượm sữa và mật” ( Xh 3, 8 ) mà Giehova TC đã Hứa ban cho Dân Ngài. Lý do khiến Dân Chúa không vào được đất Hứa là vì họ đã không thực hiện giao ước. Chính vì vậy mà giao ước cũ ( Cựu ước ) đã bị hủy đi  để thành lập giao ước mới ( Tân Ước ) “ Chúa phán = kìa ngày đến Ta sẽ cùng nhà Itsraen và Giuda  lập một giao ước mới, không phải theo như giao ước mà Ta đã lập với tổ phụ họ trong ngày Ta cầm tay họ dắt ra khỏi xứ Ai Cập vì họ đã không giữ giao ước Ta nên Ta không kể đến  họ nữa.  Chúa lại phán = này là giao ước Ta sẽ lập với nhà Itsraen, sau những ngày đó Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong Tâm Ý họ, ghi tạc nó vào lòng họ. Ta sẽ làm ĐCT họ và họ sẽ làm Dân Ta”  Dt 8, 8 – 10 ). “ Sau những ngày đó” ám chỉ cho việc Đức Kito  xuất hiện nơi đời để rao giảng Tin Mừng Nước Trời  và Nước Trời này là nước mầu nhiệm nội tại “ Ở trong lòng các ngươi” Lc 17, 20 – 21 ) Nước Trời nội tại này  còn mang nhiều tên khác như   sự nghỉ ngơi “ Thế thì chúng ta hãy chuyên cần  vào sự  nghỉ ngơi đó” Dt 4, 11.  hoặc Nhà Trại thật “ Không phải bởi tay con người làm, nghĩa là không thuộc về cõi thọ tạo này” Dt  9, 11. Hoặc Sự Sống Đời Đời “ Hễ ai Cha đã ban cho Con  thì Con ban cho họ sự sống đời đời” Ga 17, 2.

 Qua lời Chúa đây cho thấy chúng ta đã được TC Cha thông qua Đức Kito  ban cho “ Sự Sống Đời Đời”. Sự ban cho ấy cũng tức là Lời Hứa với điều kiện là phải dứt khoát từ bỏ thế gian.  Thế gian  từ bỏ đó có thể là những quyến  thuộc máu mủ ruột thịt mình như cha mẹ anh em vợ chồng con cái…hoặc  quê hương xứ sở, tài sản sự nghiệp v.v…Sự từ bỏ ấy không có nghĩa là phải dứt bỏ những mối quan hệ  đó mà chủ yếu không được yêu mến chúng hơn Chúa “ Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta  không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai hay con gái hơn Ta không đáng cho Ta” Mt 10, 37. )  Lý do khiến không được yêu mến cha mẹ con cái hơn Chúa  là vì con đường của Chúa là đường siêu xuất thế gian. Còn quyến luyến bởi những mối quan hệ  thế tục dù là cha mẹ, con cái thì vẫn còn bị buộc ràng không thể theo Chúa để bước đi  trên đường giải thoát.

 Quả thật đường của Chúa là đường  giải thoát thế nhưng thoát ra khỏi những mối tình cảm  yêu thương thế gian  mới chỉ là cái bước đầu sơ khởi. Sự giải thoát chỉ thực sự đến cho những kẻ  dám có can đảm bỏ mình “  Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta” Lc 9, 23 ) Ở đây Chúa dạy hai điều, một là  muốn theo Chúa thì phải bỏ mình và hai là phải vác thập giá hàng ngày tức vì Chúa mà vui chịu mọi khổ đau. Bỏ mình tức là bỏ đi “ Cái Tôi”. Con người không ai lại không chấp chặt vào “ Cái Tôi”. Nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng đều  cho là tôi nghĩ, tôi nói, tôi làm. Đang khi đó “ Cái Tôi” chỉ là ảo tưởng không thật, do chấp mà có. Không ai lại không vướng vào  hai cái chấp đó là chấp xác thân này là mình và hai là chấp tâm ý này là mình. Bởi chấp xác là mình  thế nên mới hết lòng  lo lắng  tẩm bổ o bế  trau chuốt  mong cho nó sống mãi nhưng rồi nó vẫn bệnh, vẫn già vẫn chết. Thế là  khổ là đau…!!!Bởi chấp tâm ý này là mình thế nên ai cũng theo ý riêng  mình để rồi  gây nên biết bao là tranh chấp hận thù  và rồi lôi kéo nhau cùng xuống địa ngục.

            Con người khổ mà không biết mình khổ thế nên cứ còn lăn lóc mãi trong khổ.  Cũng vậy, sai lầm mà không biết mình sai lầm  nên cứ còn sai mãi , đó là cái thảm cảnh của nhân loại  hôm nay “ Vì thời hầu đến, người ta không chịu vâng theo Đạo thuần chánh nữa  nhưng vì họ ngứa tai  nên cứ theo tư dục mình mà tập họp những giáo sư cho mình, bưng tai bịt mắt  khỏi lẽ thật mà xu hướng  về những chuyện hoang đường” 2Tm 4, 3 – 4 )  Đạo thuần chánh đây chỉ có thể là Đạo Xuất Thế,  Đức Kito  kêu gọi chúng  ta ra khỏi thế gian  chứ không phải  để  theo đuôi hay thích nghi, hội nhập chi chi với nó…Cái dấu chứng của những  kẻ theo đạo chân thật ấy là sẽ bị thế gian ghét bỏ, khinh miệt. Nếu không phải như thế,  hoặc đó không phải đạo thật, hoặc Chúa  nói  không đúng;  nhưng có ai dám nói Chúa  … không đúng ? Bị ghét bỏ  mà vẫn giữ đạo được  thì  đây quả  là đạo thật,  có ông cán bộ hỏi một  giáo dân  nghèo dốt = Đạo anh thế nào ? Đạo tôi là đạo thà chết chẳng thà bỏ đạo” ( Hồi ký của đức cha Lê đắc Trọng )./

.

Phùng văn Hóa

Tác giả gửi trực tiếp cho LTCG

Chuyên mục:Bình Luận, Tìm hiểu
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này